Sống Mùa Chay

Người Á đông quan niệm “Trai Tịnh” - tìm yên lặng cho tâm hồn trong phòng kín - là không để lòng mình bị lôi cuốn vào các thứ dục tình. Do vậy mà một số người VN thốt lên câu này khi nóng giận : "Tao mà không trai tịnh bữa nay là mầy ốm đòn rồi." Giáo Hội Công giáo cũng quan niệm việc trai tịnh - còn gọi là ăn chay - như là một phương cách giúp diệt dục, nhưng xem trai tịnh trên một bình diện cao siêu hơn như ta sẽ thấy trong các đoạn sau.

1. PHẤN KHỞI TRONG TRAI TỊNH.- Đức Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng ; "Khi ăn chay (trai tịnh), anh em chớ làm bộ rầu rỉ như bọn đạo đức giả; chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Còn anh em, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay ngoại trừ Cha của anh em ( ... ) Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em" ( Mt 6 : 16-18 ).

Mùa Chay không phải là mùa để u sầu. Một nhà thần học đã viết như sau: "Mùa Chay tự nó không phải là một cứu cánh...Sống mùa Chay là bước vào và chuẩn bị một cái gì khác, đó là mừng việc Chúa Phục sinh." Từ xưa Giáo Hội coi 40 ngày mùa Chay là nhằm để tĩnh tâm chuẩn bị nhận BíTích Thánh Tẩy, bước vào cuộc sống mới.

Nếu các sinh hoạt của chúng ta trong mùa Chay chỉ nhằm để tỏ ra ta thánh thiện thay vì rung động trước tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì chúng ta đã bước vào con đường đáng ngại rồi. Đôi khi chúng ta nghỉ rằng, với hằng tá điều thiện ta làm, Thiên Chúa sẽ yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta; nhưng không phải vậy. Thiên Chúa yêu thương ta từ thuở đời đời, và để đáp lại, chúng ta vui vẻ đi vào các sinh hoạt kinh nguyện, hãm mình, bố thí để tạ ơn Thiên Chúa và mở rộng lòng ra để đón nhận nhiều hơn nửa hồng ân của Ngài. Và để chứng minh điểm này, ta hãy đọc dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế ( Lc 18 : 9-14 ). Đức Giêsu kết luận dụ ngôn này như sau: "Tôi nói cho các ông biết người này (người thu thuế) khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi."

2. SÁM HỐI VÀ QUAY VỀ.- Như đã nói ở đoạn mở đầu , mùa Chay nhắm vào việc gia tăng sám hối và chúng ta phải xem việc này như là một sự đáp trả lại lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta hãy vui lên. Sám hối là chấp nhận ta đã lỗi phạm đến Thiên Chúa và ta quay về với Ngài, là nguồn suối yêu thương và là mạch sống dồi dào.

3. VUI VẺ TRONG KINH NGUYỆN.- Thử tưởng tượng đôi bạn trai gái thủ thỉ tâm sự với nhau thế nào thì chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa cũng như vậy. Lời nói đôi khi cũng cần để tâm sự, nhưng thinh lặng còn nói lên nhiều hơn gấp bội. Chúng ta ngồi bên Chúa, thoải mái với Ngài và yên lặng trao đổi với Ngài trong triều mến yêu thương. Nếu sinh hoạt chúng ta căn cứ vào cách cầu nguyện này - tức là đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đối với ta - thì chúng ta bước vào mầu nhiệm Phục sinh nhẹ nhàng vui vẻ.

4. VUI VẺ TRAI TỊNH.- Trai tịnh không có nghĩa là diệt dục trăm phần trăm. Trai tịnh là hãm mình, từ bỏ các hành động, thói quen làm hại đến phẩm giá, sức khoẻ con người, và như vậy là làm thăng tiến con người chúng ta. Nhưng trai tịnh phải được hiểu trên bình diện siêu phàm: trai tịnh phải làm thỏa mãn cơn đói sâu xa nhất của con người: đó là tìm về Thiên Chúa. Thánh Augustinô mô tả cơn đói đó thế nầy: "Lạy Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng con cho Ngài, và tâm hồn con luôn thổn thức cho đến khi nó yên nghỉ nơi Ngài".

5. VUI VẺ DÂNG TẶNG. - Ngôn sứ Isaia đã dạy rằng: trai tịnh phải đi xa hơn việc giải phóng và thăng tiến bản thân, khi Ông nói: "Và đây là việc trai tịnh mà ta mong muốn: tha bổng kẻ bị tù tội bất công, giải phóng kẻ bị áp bức, chia cơm bánh cho người nghèo đói, tạo mái ấm cho kẻ không nhà, cấp áo mặc cho kẻ trần truồng, và đừng quay lưng đối với người đồng loại" ( Is 58 : 6-7 ). Đức Giêsu cũng dạy rằng: "Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại... Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" ( Lc 6: 38 ). Thánh Nữ Têrêsa Giêsu Hài Đồng cũng viết : "Tình yêu không giảm bớt khi ta chia sẻ,nhưng nóđược giatăng."

6. TÌM SỐNG TRONG ĐAU KHỔ.- Trong mùa Chay này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần lắng nghe lời mời gọi của Đức Giêsu: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16; 24 ). Sự đau khổ xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân đem đến cho người môn đệ một cuộc sống ý nghĩa và dồi dào hơn. Chúng ta chỉ đến được nguồn sống mới của ngày Phục sinh với Đức Giêsu nếu ta bước theo Ngài qua khổ hình và tử nạn của Ngài.

Đức Giesu Chịu Phép Rửa