Quay Về / Conversion

“Thôi ta đứng lên đi về cùng Cha và thưa với người: ‘Thưa Cha, con thật đắc tội với trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa. Xin Cha coi con như một người làm công cho Cha vậy’. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng Cha” (Lc 15: 18-20).

ĐỊNH NGHĨA.- Conversion is the ongoing response of our whole person turning in faith and love to the God who loves us. Quay về là sự đáp ứng hằng ngày của toàn thể con người chúng ta khi tin tưởng và yêu mến, ta quay về với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta.

Chúa Giêsu kêu gọi ta quay về, “Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1: 15). Lời kêu gọi này trước hết hướng về những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài. Bởi vậy phép Rửa tội là tâm điểm của viếc quay về lúc ban đầu. Nhờ niềm tin vào Tin mừng và nhờ phép Rửa tội, người ta từ bỏ điều ác và nhận được ơn cứu độ, nghĩa là được ơn tha thứ các tội lỗi và được ban cho sự sống mới.

Tiếng Chúa Kitô kêu gọi quay về vẫn còn vang lên trong cuộc đời các Kitô hữu. Sự trở lại - quay về - lần thứ hai này là một công tác liên tục của toàn thể Giáo Hội. Nổ lực trở lại này không chỉ là công việc của con người, mà còn là do ân sủng của Thiên Chúa lôi kéo và thúc đẩy “tâm hồn thống hối “ đáp lại tình yêu nhân hậu của Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước. “Chúa quay lại nhìn ông.(…) Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Lc 22: 61-62).

Con người quay về với Thiên Chúa, nhưng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi. Chỉ một mình Ngài cứu độ chúng ta. “Anh ta còn ở đàng xa thì người Cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm lấy anh ta và hôn lấy hôn để. (…) Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu.(…) Chúng ta mở tiệc ăn mừng ! (Lc 15: 20-23). “Các tội lỗi của con đã được tha” (Mc 2: 5). Nhân danh uy quyền thần linh của Ngài, Ngài ban quyền tha tội này cho những con người được chọn, để họ hành xử quyền này nhân danh Ngài. Ngài đã trao quyền tha tội cho thừa tác vụ tông đồ với nhiệm vụ “ban ơn hòa giải” (2Cr 5: 18).

SÁM HỐI.- Khi Chúa Giêsu kêu gọi quay về và sám hối thì lời kêu gọi của Ngài không nhắm trước hết vào các việc bên ngoài, “như mặc áo bao bố và rắc tro trên đầu”, hoặc các việc ăn chay và hãm mình phạt xác, nhưng nhắm vào sự “quay về của tâm hồn, sám hối nội tâm”. Sám hối nội tâm là định hướng lại cuộc đời mình cách triệt để, hêt lòng trở lại với Thiên Chúa, thôi phạm tội, tránh xa sự ác, gớm ghét những hành vi xấu xa chúng ta đã phạm. Đồng thời phải có sự ước muốn và quyết tâm thay đổi lối sống, với hy vọng nhận được lòng từ bi tha thứ của Thiên Chúa, tin tưởng vào sự trợ lực của ân sủng Ngài.

Quay về trước hết là công việc của ân sủng Thiên Chúa lôi kéo tâm hồn ta trở lại với Ngài. “Lạy Chúa, xin kéo chúng con trở lại, và chúng con sẽ trở lại với Ngài” (Ac 5: 21). Thiên Chúa ban cho chúng ta có sức để bắt đầu lại; nhờ khám phá ra sự cao cả của tình thương của Ngài, trái tim chúng ta sẽ bị lay động bởi sự gớm ghiếc và nặng nề của tội lỗi, và lòng chúng ta bắt đầu sợ làm mất lòng Chúa và sợ xa lìa Ngài.

Quay về với Thiên Chúa trong cuộc sống của người tín hữu là một cuộc tái sinh, không phải một lần khi nhận phép Rửa tội, nhưng là tái sinh và tái sinh, tái sinh mãi mỗi lần ta quay về với Thiên Chúa, sau khi ta từ bỏ Ngài, mỗi lần ta từ hang lòng tâm tối chết chóc của đam mê tội lỗi bước vào ánh sáng của sự thật và sự sống của Thiên Chúa; mỗi lần ta cầu nguyện, chịu các Bí tích là mỗi lần ta được tái sinh trong Thánh Thần của Thiên Chúa. “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8: 11).

Quay về với Thiên Chúa còn được mô tả như là hình bóng của mầu nhiệm cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. “Chúng ta là những kẻ đã chết đối với tội lỗi, thì làm sao còn sống mãi trong tội được! Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6: 4).

SỐNG ĐỜI SỐNG MỚI.- Ta phải hiểu sống đời sống mới như thế nào ? Trước tiên là ý thức, suy nghĩ và hành động khác hơn, sau mỗi lần gặp gỡ Đức Kitô. Cuộc sống mới bây giờ là một sự cảm nhận rõ ràng về nhiệm mầu lạ lùng và hông ân cao quý của tình yêu Thiên Chúa Cha đối với ta qua Đức Giêsu và trong Thánh Thần. Và trong tình yêu này, chúng ta trao tặng lòng từ ái của chúng ta cho mọi người, đặc biệt là những người bị đời bỏ rơi, những người xúc phạm, bắt bớ, gây khổ cho chúng ta. Khi chúng ta tin tưởng vào sức mạnh tình yêu Thiên Chúa, và để tình yêu này hoán đổi chúng ta, chúng ta trở thành những người biêt yêu thương trong hành động và cầu nguyện trong cộng đồng.

Sống đời sống mới còn là tìm gặp và ca khen tình yêu Thiên Chúa, trong phụng vụ, trong việc dội nước trên đầu, xức dầu trên người, theo dỏi các lời kinh nguyện, rước vào lòng Máu Thịt Thiên Chúa. Qua Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa ở với ta, ở trong ta, ở với cộng đồng tín hữu chung quanh ta.
Sống đời sống mới còn là ý thức được lời Chúa kêu gọi chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa. Chúng ta sẵn sàng làm ngôn sứ cho Lời Chúa trong gia đình, trong sở làm, trong thôn xóm, trong cộng đồng, bằng cuộc sống nhân ái, yêu thương, công chính và hòa thuận.
Sau cùng, sống đời sống mới là vui vẻ, là sẵn sàng đáp ứng lời mời gọi của tình yêu Thiên Chúa trong mọi lúc của cuộc đời.

Sống Mùa Chay